Tránh ly hôn như vợ chồng Trung Nguyên, cần có hợp đồng tiền hôn nhân

"Tôi khuyên bạn hãy có hợp đồng tiền hôn nhân. Đây không phải là chuyện bạn có tin tưởng vào người bạn đời hay không, đơn giản, nó giúp tránh rắc rối về sau", Tổng thống Mỹ nói.


Những ồn ào xoay quanh vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo là minh chứng thể hiện vấn đề phức tạp, rắc rối của các cuộc hôn nhân khi chọn cách bước ra tòa để phân chia tài sản.

Cặp vợ chồng từng được ngưỡng mộ bởi cuộc hôn nhân hạnh phúc, sự nghiệp lừng lẫy khi đứng trước Tòa không tránh khỏi những lời cãi vã, đôi co về khối tài sản kếch xù hay quyền điều hành Trung Nguyên. Tuy nhiên, cả hai đều thừa nhận trước đó "không có thỏa thuận về tài sản chung hay riêng".


Khi ông Vũ và bà Thảo đứng trước Tòa tranh cãi về tài sản, nhiều người nghĩ đến sự cần thiết của thỏa thuận tiền hôn nhân. Đồ họa: Ngân Phạm.
Để tránh xảy ra những xích mích hay giảm thiểu rủi ro khi tình cảm không còn mà vẫn đảm bảo được quyền lợi, tài sản các bên, ở các nước phương Tây, "hợp đồng tiền hôn nhân" được công nhận như một vấn đề pháp lý bình thường và nghiêm túc.

Trong khi đó, ở Việt Nam, câu chuyện này còn quá xa lạ, nghe có vẻ "chối tai". Nhiều người Việt quan niệm nếu xác lập "hợp đồng tiền hôn nhân" sẽ tác động xấu đến tâm lý đối phương, dự liệu cho điều gì không trọn vẹn, không tin tưởng nhau, tính toán chi li. Thực tế vấn đề này được nhận thức ra sao?

Không có quy định

Theo luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam năm 1959, 1987, 2000; vợ chồng không thể thỏa thuận để xác lập một chế độ tài sản trong hôn nhân khác với chế độ tài sản pháp định.

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết pháp luật Việt Nam không có quy định về hợp đồng tiền hôn nhân. Công chứng viên cũng không được phép công chứng hợp đồng tiền hôn nhân về tài sản.

Tuy nhiên, đến luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 được ban hành đã cho phép công nhận thỏa thuận giữa hai vợ chồng về chế độ tài sản trong thời kỳ hôn nhân. Tức là các bên có thể ký thỏa thuận về tài sản chung, riêng hoặc cam kết tài sản chung hoặc riêng. Theo đó, vợ chồng có thể thoả thuận về quyền sở hữu, quyền định đoạt đối với tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

Chế độ tài sản của vợ chồng theo thoả thuận được xác lập khi là vợ chồng chứ không áp dụng đối với trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn.

Theo quy định của Điều 47 luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, công nhận việc thỏa thuận xác lập tài sản chung vợ chồng: "Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn".

Luật sư Trần Thu Nam (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng cho biết ở Việt Nam không có khái niệm về hợp đồng tiền hôn nhân. Cũng chính vì không có quy định nên mỗi người hiểu theo ý muốn, đa số hiểu khái niệm này là thỏa thuận về tài sản như đã nêu ở trên.

Nếu có thỏa thuận, phân xử ra sao?

Khi chế độ tài sản theo thỏa thuận đã được xác lập đúng thủ tục theo quy định của pháp luật thì chế độ tài sản theo thỏa thuận vẫn có giá trị pháp lý để làm căn cứ phân xử khi ly hôn.

Cụ thể, Tòa án sẽ căn cứ vào thỏa thuận này để xác định cách thức phân chia tài sản trong việc giải quyết ly hôn. Theo khoản 1 Điều 59 luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: "Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó. Nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 59 và tại các Điều 60, 61, 62, 63 và 64 của luật này để giải quyết”.

Có thể thấy pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của vợ chồng trong việc quyết định phân chia tài sản. Thỏa thuận bao gồm tài sản chung, riêng; quyền và nghĩa vụ đối với tài sản chung, riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình; điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt hôn nhân.


Nhờ hợp đồng tiền hôn nhân, nữ ca sĩ Britney Spears không mất quá nhiều tiền cho "kẻ đào mỏ" Kevin Federline. Ảnh: Billboard.

Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chỉ công nhận hợp đồng hôn nhân thỏa thuận các vấn đề liên quan đến tài sản, bao gồm các quy định về căn cứ xác lập quyền sở hữu tài sản, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng, các trường hợp và nguyên tắc chia tài sản giữa vợ và chồng…

Còn các vấn đề khác của hợp đồng (ngoài tài sản, như các vấn đề liên quan đến sinh con, nuôi dạy con, trách nhiệm làm việc nhà, quyết định các vấn đề lớn trong gia đình...) đều chưa đề cập đến.

Nên công nhận hợp đồng tiền hôn nhân

Còn nhớ tại phiên tòa giữa ông Cao Toàn Mỹ và Trương Hồ Phương Nga, chi tiết gây chấn động dư luận lúc đó là việc Phương Nga khai rằng có tồn tại "hợp đồng tình cảm" giữa hai người.

Thời điểm đó, rất nhiều văn bản được cho là "hợp đồng tình cảm" bị tung lên mạng với nhiều điều khoản khác nhau; tuy nhiên, sau đó Tòa cũng không công nhận giá trị pháp lý của những văn bản này.

Trong cuốn sách "Nghĩ lớn để thành công" của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông viết: "Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tôi khuyên bạn hãy có một hợp đồng tiền hôn nhân. Đây không phải là chuyện bạn có tin tưởng vào người bạn đời hay không, mà đơn giản, nó giúp bạn tránh được các rắc rối về sau”.

Ngay đến vị Tổng thống quyền lực, giàu có như ông Trump vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng cần thiết của hợp đồng tiền hôn nhân.


Nếu giữ bà Thảo và ông Vũ có thỏa thuận tài sản rõ ràng, vụ ly hôn này sẽ được giải quyết nhanh chóng hơn. Ảnh: Lê Quân.

"Tôi tán thành việc cho ký hợp đồng tiền hôn nhân để phân định rõ ràng tài sản chung riêng khi là vợ chồng, tránh được những tranh chấp phức tạp kéo dài như nhiều vụ án ly hôn chia tài sản khác. Việc ký hợp đồng tiền hôn nhân cũng tôn trọng quyền tài sản của mỗi người và xác định công sức của vợ, chồng", luật sư Hùng nêu quan điểm.

"Pháp luật Việt Nam nên mở rộng thêm khái niệm về hợp đồng tiền hôn nhân để hiểu một cách đầy đủ hơn chứ không chỉ là thỏa thuận về tài sản. Ở Mỹ còn có nhiều điều khoản cụ thể về nuôi con, cấp dưỡng, lựa chọn Toà án giải quyết tranh chấp,... Tôi nghĩ đây là điểm rất tiến bộ của luật pháp phương Tây", luật sư Thu Nam kiến nghị và cho rằng điều đó giúp các bên có thể bước vào cuộc hôn nhân bình đẳng, văn minh cho đến khi không còn tình yêu.

Nguồn:Zing.vn

ÁO CƯỚI NANCYPHAM (NANCYPHAM BRIDAL)
136 Hồ Văn Huê - Q.Phú Nhuận - TP.HCM
0903.158.189 (hotline) - 0969.483.107

dịch vụ trọn gói